Post by 513minh89 on Jul 30, 2015 14:15:16 GMT 7
Sau hai lần đến rồi đi, những năm tháng cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng của cựu chân sút Chelsea sẽ gắn với miền đất MLS của Mỹ.
Tháng 5/2012, sân Allianz Arena, Chelsea gặp Bayern Munich trong trận chung kết Champions League. Thomas Muller mở tỷ số cho đội chủ nhà phút 83 và thất bại tưởng như nằm chắc trong tay đội khách, thì Drogba bỗng làm nên bước ngoặt lịch sử. Anh bật cao đánh đầu gỡ hòa 1-1 phút 88 và kéo trận chung kết vào loạt luân lưu - nơi đó, chính anh sút quả quyết định đem đến chiến thắng cho Chelsea. “The Blue” lần đầu tiên vô địch Champions League, còn người hùng của họ không lâu sau sang Trung Quốc, bỏ lại sau lưng một châu Âu mệt mỏi và nhiều chinh chiến.
Anh đi sau chức vô địch Champions League, điều mà Chelsea khao khát nhất. Anh đi sau ba danh hiệu ở Ngoại Hạng Anh, bốn FA Cup, ba Cup Liên đoàn cùng hai Siêu Cup Anh, và trên hết với tư cách một huyền thoại, một yêu mến, một tiếc nuối. Anh ra đi trong trọn vẹn. Khi đó anh 34 tuổi.
Nhưng Drogba chỉ ở Thân Hoa Thượng Hải đúng một năm, sau khi cùng người đồng đội Nicolas Anelka nhận đủ sự tủi nhục như những kẻ xiếc rong đi kiếm tiền trong suy nghĩ nhỏ nhen của người Trung Quốc. Anh trốn chạy khỏi đất nước đông dân nhất thế giới để trở lại châu Âu một lần nữa. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Drogba sống lại với biệt danh “Voi rừng” bằng phong độ chói sáng giúp Galatasaray vô địch quốc gia mùa giải 2012-2013, ghi bàn trong trận chung kết để đoạt Cup quốc gia 2013-2014. Trước khi chia tay đất nước nửa Âu nửa Á, anh từ thiện một triệu đôla cho những nạn nhân trong vụ sập hầm mỏ tại Soma, Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng như khi ở quê nhà Bờ Biển Ngà, hay ở vùng đất xa lạ vừa qua, ẩn phía sau sự hoang dã trên sân cỏ là sự ấm áp trong trái tim. Drogba từng tâm sự: “Tôi kiếm nhiều tiền là để làm từ thiện cho dễ dàng hơn.”
Drogba quay lại Chelsea lần thứ hai trong sự nghiệp, năm 2014. Chỉ hai năm kể từ ngày xa cách và quay lại London, anh đã đi một vòng tròn của đời người, khi vinh quang, cay đắng, lầm than, chiến thắng và thất bại thay phiên nhau tìm đến. Stamford Bridge cuối cùng vẫn là mái nhà, là nơi anh quay trở về để khỏa lấp lại nụ cười của những người hâm mộ Chelsea, dưới trướng người thầy cũ Jose Mourinho. Ngày họ gặp nhau, cái bắt tay hờ hững giấu những xúc cảm phía sau.
Bảy năm trước, Mourinho ra đi, Drogba khóc trong phòng thay đồ. Bảy năm sau, Mourinho trở lại, và đưa học trò cưng trở về. Sự trở về của người hùng chỉ là một chút tình nghĩa, một chút ảnh hưởng lên tập thể mà Mourinho cần có. Lý do chuyên môn lớn nhất chỉ là đóng vai trò tạo sự cạnh tranh. Carlo Ancelotti từng nói: "Drogba cũng như Inzaghi, cậu ta chôn vùi những kẻ thách thức mình”. Bởi vậy, dù ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, anh vẫn đủ sức gây áp lực để tạo thúc đẩy và đủ tài năng để cáng đáng ít nhiều cho tiền đạo chủ lực Diego Costa. Mùa giải của sự trở về đó, anh ít ra sân hơn, những bàn thắng chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng từng đó là quá đủ cho các cổ động viên Chelsea. Đôi khi bóng hình của huyền thoại không nằm ở các bàn thắng.