Post by Admin on Apr 24, 2015 16:47:23 GMT 7
Hội thảo “Quản trị tài sản phần mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam” nhằm cập nhật những thông tin mới liên quan đến bản quyền phần mềm tại Việt Nam và quốc tế đã diễn ra tại TP.HCM ngày 12/10/2011.
Hội thảo nói trên do Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương tổ chức với sự tham gia trực tiếp của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với các cơ quan chính phủ liên quan, hội thảo còn có sự tham gia của công ty luật và các công ty tư vấn quốc tế, các nhà sản xuất phần mềm lớn của Việt Nam và thế giới nhằm tư vấn và mang đến các giải pháp hữu hiệu về bản quyền phần mềm (BQPM) cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Là một trong những vấn đề được Chính phủ ưu tiên giải quyết, trong những năm qua Quyền Sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm nói riêng không chỉ được Luật pháp Việt Nam bảo vệ với những điều luật nghiêm khắc mà còn được thực thi khá quyết liệt. Trong năm 2010, lực lượng thanh tra liên ngành đã tổ chức thanh tra tại 60 doanh nghiệp, kiểm tra là 2.361 máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp và đã bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp và phản ánh của các chủ sở hữu thì các doanh nghiệp đã mua các phần mềm trị giá 1.379.228 USD. Năm 2011 cho đến nay, lực lượng thanh tra đã tiến hành thanh tra 50 doanh nghiệp, kiểm tra gần 2.000 máy và theo báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp và phản ánh của các chủ sở hữu thì các doanh nghiệp đã mua các phần mềm trị giá 489.775 USD.
Tiến sỹ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả nhấn mạnh tại hội thảo: “Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra”.